close

Ai là hung thủ trong "Gam lam không thực"?


Được xem là bước đánh dấu sự trở lại văn đàn của Thái Cường, Gam lam không thực thực sự “lột xác” hơn rất nhiều so với Những mảnh mắt nhìn. Khởi đầu bằng đám cháy và vụ mất tích bí ẩn, tiểu thuyết này đã đưa người đọc bước vào thế giới của một “vụ án” không hồi kết với nhiều lời khai từ nhiều góc độ khác nhau, gợi liên tưởng đến Trong rừng trúc của Akutagawa Ryunosuke.

Bìa tiểu thuyết "Gam lam không thực" của tác giả trẻ Thái Cường

Với lối viết cực gãy gọn và độ nén cao, mỗi chi tiết dường như đều ẩn chứa một “ẩn số” phía sau mà người đọc buộc phải tự tìm ra giải đáp cho mình.

Đó có phải là Như, cô em gái của nạn nhân với nhiều động thái đáng ngờ mà càng dần về cuối truyện càng hiển lộ mạnh mẽ?

Đó có phải là Trương, cậu em trai của Thụy biến chuyển từ hình ảnh ngây thơ sang ngày một đáo để hơn vì long ghen tị?

Đó có phải là Thụy, nhân vật chính của câu chuyện, một kẻ lửng lơ, lạc lõng và luôn cảm thấy vô định trong thế giới con người?

Hay thậm chí có phải là Ánh, cô gái biến mất bí ẩn sau đám cháy, liệu nàng có đúng là nạn nhân hay không khi chính nàng cũng đã lập kế hoạch cho một cuộc trốn chạy trước đó?

Và còn rất nhiều nhân vật khác có liên đới đến thảm kịch này, có chắc họ hoàn toàn không có gì khả nghi như lời khai của họ trên bàn thẩm tra hay không?

Chính sự xen kẽ và phản ánh tương quan giữa “vụ án” lồng ghép với đời sống vợ chồng tuyến truyện khung về văn sĩ Bằng và cô giáo Xuân đã khiến người đọc “ngộ” ra được rất nhiều chứng cứ trên hành trình truy tìm hung thủ.

Với ảnh hưởng mạnh mẽ từ Kafka và trào lưu văn học hậu hiện đại, Gam lam không thực không đơn thuần là một áng văn tâm lý – trinh thám giật gân mà sức chứa của tác phẩm này đáng phải dè chừng.

Cả chi tiết câu chuyện mang phong vị cổ tích mà Trương kể về cô gái trẻ “quyết định cưỡi ngựa đến làng bên cạnh mà không hề lo sợ” tưởng như không dính dáng đến mạch truyện nhưng ý nghĩa đằng sau nó cũng khiến người đọc phải dừng lại vài phút ngẫm nghĩ và xâu chuỗi loạt diễn biến từ đầu chí cuối.

Nhìn chung, nếu như ở Những mảnh mắt nhìn, phong cách của Thái Cường vẫn còn mơ hồ trong lòng công chúng văn học thì qua Gam lam không thực, bức chân dung của cây bút trẻ 9X này đã phần nào hiện rõ: không lan man, chắc gọn trong từng lời lẽ, không cần phải cầu kỳ hay tỏ ra cao siêu mà vẫn đủ sức “chơi” với văn chương.

Nguồn: http://vanhoangaynay.vn

CÁC TIN KHÁC


Đang thêm vào giỏ hàng...