close

Tác phẩm Nguyễn Hiến Lê 'đơn sơ mà sâu thẳm, cũ kỹ mà rất hiện đại'


Qua đó, chân dung của học giả Nguyễn Hiến Lê hiện lên hiền lành, giản dị, trên hết là sức làm việc đáng nể, để lại nhiều tác phẩm hữu ích cho các thế hệ sau.

Rất đông bạn đọc đã đến với buổi nói chuyện Nguyễn Hiến Lê - Con người và Tác phẩm nhân tập sách cùng tên (nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TP.HCM) vừa ra mắt độc giả. Ngoài 3 diễn giả trên sân khấu chính của Đường sách, những người được biết đến nhiều trong giới làm khoa học và báo chí như nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nhà khảo cổ học - tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng… cũng có mặt.

Zalo

Rất đông bạn đọc đến với buổi nói chuyện Nguyễn Hiến Lê - Con người và tác phẩm - ẢNH: L.HẠNH

Tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê như "bùa hộ mạng"

Với 120 tác phẩm (kể cả sáng tác và dịch) bao gồm văn chương, triết học, sách học làm người, khảo luận, tuỳ bút, du ký… và gần 300 bài báo đăng trên nhiều tạp chí, 23 lời tựa cho các tập sách mà Nguyễn Hiến Lê để lại, không ngạc nhiên khi nhiều người nói rằng họ đã có những ảnh hưởng rất lớn từ các cuốn sách của ông.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ: "Những tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê dẫn đường cho tôi, giúp cho tôi dễ thành công". Ông cũng thừa nhận mình chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Nguyễn Hiến Lê, ở trong sách cũng như cách sống ngoài đời.

Bác sĩ may mắn có mối quan hệ thân tình với học giả Nguyễn Hiến Lê nên có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ông Đỗ Hồng Ngọc kể, hồi mới đậu tú tài 2, ông băn khoăn vì muốn học cả 3 trường: Văn Khoa, Sư phạm và Y khoa, ông Nguyễn Hiến Lê đã hiến kế nên học Y khoa để giúp người, giúp đời một cách rõ ràng hơn, nếu học giỏi và có năng khiếu viết lách thì sau đó có thể trở thành thầy giáo và nhà văn. Chàng trai Đỗ Hồng Ngọc khi ấy quyết định học Y khoa và sau này đã trở thành bác sĩ, thầy giáo, đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách.

Một kỷ niệm khác cũng được bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc kể lại tại buổi trò chuyện: "Ngoài 60 tuổi, ông Lê băn khoăn hỏi tôi có nên viết hồi ký không, tôi nói nên. Ban đầu, ông dự định viết hồi ký chừng vài trăm trang, cuối cùng là 3 tập như hiện nay".

Dù ông Nguyễn Hiến Lê không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng nhiều người tự nhận là học trò của ông. Trong số ấy, có bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng. Từ sự giới thiệu của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng cũng trở thành một người bạn trẻ thân thiết của học giả Nguyễn Hiến Lê.

Những năm tuổi trẻ, các cuốn sách Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống đã trở thành "bùa hộ mạng" cho vị bác sĩ tài hoa này. Ông mong rằng, nhiều tác phẩm của "ông thầy" mình trở thành "bùa hộ mạng" cho nhiều độc giả trẻ.

Qua lời kể của bác sĩ Hùng, doanh nhân Lý Ngọc Minh - giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long - làm nên cơ ngơi như ngày nay cũng nhờ sớm ảnh hưởng cuốn Tổ chức công việc theo khoa học của Nguyễn Hiến Lê.

Học để viết - Viết để học

Zalo

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ về quá trình học giả Nguyễn Hiến Lê viết lời tựa cho một số tác phẩm của mình - Ảnh: LAM HẠNH

Học giả Nguyễn Hiến Lê dành cả đời để đọc, nghiên cứu và viết sách. Với ông, học và viết phải đi song song trên con đường học thuật. Đây cũng là "phương châm" được các diễn giả "bắt chước".

Sinh thời, ông Nguyễn Hiến Lê có nói với bác sĩ Ngọc: "Một đề tài nào cháu thích mà chưa rõ lắm thì hãy viết. Muốn viết cái gì ta phải tập hợp tài liệu và phải đọc rất nhiều. Đó cũng là quá trình học vậy". Không ngừng học và viết, học giả Nguyễn Hiến Lê luôn truyền tải kiến thức đến độc giả một cách khoa học, rõ ràng, dễ hiểu…

Cả ông Đỗ Hồng Ngọc và ông Nguyễn Chấn Hùng đều tiết lộ, Nguyễn Hiến Lê làm việc cực kỳ khoa học, giống như một công chức, mỗi ngày ngồi vào bàn viết 8 tiếng. Một "bí kíp" mà hai ông được người bạn lớn của mình truyền lại là không có hứng viết cũng phải ngồi vào bàn viết, viết nửa tiếng thì tự nhiên ý tứ, chữ nghĩa ùa đến.

Zalo

Bạn đọc xin chữ ký của ba diễn giả, cũng chính là các tác giả góp mặt trong tập sách Nguyễn Hiến Lê - Con người và Tác phẩm - Ảnh: L.H.

Ông Trần Văn Chánh nhận định Nguyễn Hiến Lê là một học giả quan tâm nhiều đến nhân sinh. Ông viết mấy trăm bài báo ưu tư với những vấn đề hệ trọng của đất nước thời ông sống. Những vấn đề được ông đặt ra từ hơn 60 năm trước đến nay vẫn còn tính thời sự và vẫn chưa giải quyết được.

Ông Chánh kết luận: "Chúng ta xem Nguyễn Hiến Lê là một trí thức vì ông không bao giờ có lòng căm thù cá nhân. Ông chỉ phê bình chính sách chứ không "đánh" vào từng cá nhân".

Có thể tóm tắt về tinh thần các tác phẩm của học giả Nguyễn Hiến Lê như nhận định của bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng: "Thấy đơn sơ mà sâu thẳm, thấy cũ kỹ mà thật ra rất hiện đại".

"Ông Nguyễn Hiến Lê có một điều rất lạ. Ông dạy người ta đủ thứ về xuất bản và viết văn, cách làm hợp đồng, di chúc… Tuy nhiên, theo chỗ tôi biết, ông Lê không để lại di chúc gì cả.

Do đó, tất cả đều cậy vào người bạn tâm phúc là bác Lê Ngộ Châu (tổng biên tập tạp chí Bách Khoa), dường như có một lời ông dặn vợ, đại khái: "Tôi mà chết thì bà bàn tất cả mọi chuyện với anh Châu". Tất cả đều chỉ nói bằng miệng. Có một số nhà xuất bản vì trước kia không biết đường dây liên hệ bản quyền nên đã in đại.

Ông Nguyễn Hiến Lê cao thượng ở chỗ mặc dù tạo ra một sự nghiệp lớn lao vậy nhưng ông xem giá trị đấy nhưng cũng phù du đấy, không cần bám lấy.

(Nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh nói trong buổi nói chuyện)

Bản quyền tác giả của sách Nguyễn Hiến Lê được giao cho ông Lê Ngộ Châu. Sau khi ông Châu qua đời, việc trao đổi bản quyền, hợp đồng xuất bản các tác phẩm của ông được thông qua chỗ tôi.

Hiện nay, hơn 50 tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê đã được Công ty Sách Mc Book mua bản quyền trong 10 năm. Ông bà Nguyễn Hiến Lê có một người con trai duy nhất nhưng người thừa kế tác quyền hiện nay là người con nuôi tên Vũ Thị Kim Liên.

(Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng)

Theo: Tuổi trẻ

CÁC TIN KHÁC


Đang thêm vào giỏ hàng...