close

Tác giả Isabelle Müller gặp gỡ và giao lưu với sinh viên Đại học Văn Lang


Chúng ta ngầm đồng ý với nhau rằng cuộc đời của mỗi người là một cuốn sách mở, bởi cuộc đời là xâu chuỗi những câu chuyện thăng trầm, buồn vui, sướng khổ, thất vọng và hy vọng, … qua những giai đoạn khác nhau. Sự kiện và cảm xúc trong đó đủ để tạo nên một cuốn sách kỳ thú. Thế nhưng, không mấy ai thấy rằng cuộc đời của mình “đáng” viết thành sách, cũng không mấy ai “dám” kể chuyện cuộc đời mình để người đọc tỏ tường những đau thương mình từng trải hay những cảm xúc u tối bên trong mình. Dù chưa thực sự đạt được vẻ đẹp ngôn từ đỉnh cao, nhưng “Con gái của chim phượng hoàng – Hy vọng là con đường của tôi” của tác giả Isabelle Muller là một tác phẩm đáng đọc. Bởi vì đó là một tự truyện nhiều suy tư và cảm xúc, với những thông điệp sâu sắc và truyền cảm hứng tích cực.

 

 

Tham dự talkshow, PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng – chia sẻ: “Các bạn sinh viên Văn Lang có thể từ cuốn sách và từ chia sẻ của tác giả Isabelle Muller học được cách vượt qua khó khăn bằng hy vọng và ý chí”.
Trường học trái tim

 

 

Khi được hỏi về lý do vì sao quyết định viết sách về cuộc đời của mẹ và mình, tác giả Isabelle Muller nói rằng bắt đầu của quá trình này chính là sự ngưỡng mộ mà cô dành cho người mẹ Việt của mình.

Mẹ cô đã “bỏ nhà ra đi” vì không muốn sống cuộc đời sắp đặt theo khuôn phép “trọng nam khinh nữ” và “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Mẹ cô đã mỉm cười khi ngôi nhà mất bao công sức mới có được bị thiêu cháy vì đơn giản ngôi nhà là vật chất, mất đi sẽ làm lại được, miễn tinh thần vẫn vững vàng và tốt đẹp. Mẹ cô đã không ngừng nỗ lực để bản thân có thể sống được, sống tốt và giúp đỡ những người khó khăn trên nước Pháp khi gia đình chồng phân biệt màu da, khi chồng bạo lực và ngoại tình.

 

Và như một sự kết nối sâu xa giữa mẹ và con gái, Isabelle Muller cũng đã sống một cuộc đời đáng ngưỡng mộ như mẹ mình. Cô đã vượt qua hoàn cảnh nghèo khó của gia đình, sự trêu chọc và phân biệt màu da ở trường học, sự lạm dụng của người cha, sự ganh tỵ của chị gái, bệnh tật của bản thân, con gái và chồng. Những câu chuyện về mẹ cô và cô đã được kể lại trong hai cuốn sách đầy cảm động: “Loan – Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng”, “Con gái của chim phượng hoàng – Hy vọng là con đường của tôi”.

 

Mẹ không được đi học nhưng cuộc đời của mẹ và những năm tháng sống bên cạnh mẹ đã giúp cho Isabelle học được rất nhiều. Cô nói rằng, mẹ cô đã tạo dựng nên và chỉ dẫn cô trong “trường học trái tim” – học cách làm người lạc quan và tích cực.

Chấp nhận – bước đầu tiên để vượt qua thử thách

Một điều rất đặc biệt trong cuốn sách “Con gái của chim phượng hoàng – Hy vọng là con đường của tôi” chính là chuyện kể về sự đối mặt với những khó khăn cùng cực, những thử thách không ngừng nhưng không có nước mắt buồn tủi, không có oán hận bi thương. Chuyện không vui được kể bằng tinh thần tươi sáng.

 

Khi nghe Isabelle chia sẻ về cuộc đời mình, cũng là nội dung của cuốn sách, các bạn sinh viên thể hiện rõ sự thán phục và đồng thời cũng mong muốn tác giả chia sẻ liệu cô có cảm thấy khó khăn khi viết ra câu chuyện của mình, và bằng cách nào cô đã vượt qua tất cả để thành công như hôm nay. Isabelle chân thành trả lời: cô không bị ám ảnh hay bi thương cản trở khi viết về những nỗi đau đã trải qua bởi cô đã chấp nhận những nỗi đau ấy, đối mặt những nỗi đau ấy và vượt qua những nỗi đau ấy. Cô không quên những gì mình đã gặp phải, nhưng cô không sống trong bóng tối của nó. Isabelle mong muốn các bạn sinh viên quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần của bản thân. Nếu các bạn gặp phải những thử thách dù nhỏ hay lớn thì trước tiên, hãy học cách chấp nhận nó. Có chấp nhận mới cố gắng tìm cách để vượt thoát nó. Cô từng không muốn chấp nhận hoàn cảnh của mình, từng muốn từ bỏ chống chọi lại khó khăn khi tự tử hai lần vào năm mười ba tuổi và mười bảy tuổi. Nhưng dường như có sự sắp đặt vô hình, cô tự tử không thành, và cô nghĩ rằng có lý do và ý nghĩa để mình sống trên đời, vậy nên cần chấp nhận những khó khăn và vượt qua. Sau nữa, cô học cách tin tưởng và chấp nhận sự giúp đỡ từ những người thiện chí để có điều kiện học tập tốt hơn, sống tốt hơn, làm việc tốt hơn và vượt qua thử thách dễ dàng hơn. Và yếu tố then chốt là nghị lực, ý chí của bản thân và dám mạo hiểm để tìm kiếm hạnh phúc cho mình.

 

Isabelle chia sẻ rằng khi vào đại học, bạn bè cô ai cũng có cho mình một kế hoạch cuộc đời rõ ràng nhưng cô thì không. Đơn giản vì cô không có gì trong tay, cô không sợ phải tổn thất điều gì, vì vậy cô chọn mạo hiểm để tìm cách sống khác, sống tốt hơn.

Trải qua nhiều biến cố, Isabelle vẫn bình thản vượt qua bởi cô xem thử thách là những bài học mà cuộc đời dành cho mình. Trải qua một thử thách, thu nhận một bài học; thêm một thử thách, thêm một bài học. Điều gì không biết thì không ngừng đặt câu hỏi; vấn đề gì gặp phải, tìm cách giải quyết nó. Xem khó khăn trở thành cơ hội – Đó chính là phương châm để cô trở nên mạnh mẽ và tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc sau những tổn thương.

 

Đọc tự truyện “Con gái của chim phượng hoàng – Hy vọng là con đường của tôi” của Isabelle Muller, gặp gỡ và nghe cô chia sẻ trong chương trình giới thiệu sách khiến chúng ta liên tưởng đến loại hình Thư viện Nhân sinh (Human Library) – Nơi chúng ta đến không để đọc sách mà để “mượn người”. Những người ở đó đã từng trải qua bất công, phân biệt trong xã hội hoặc gặp những vấn đề tâm lý. Đó là một liệu pháp chữa lành, một cú hích tinh thần, một lần nạp năng lượng tích cực và truyền cảm hứng để chúng ta yêu thương bản thân, cố gắng sống tốt hơn mỗi ngày và chia sẻ, cho đi khi đủ đầy.

Theo Thư viện Đại học Văn Lang

CÁC TIN KHÁC


Đang thêm vào giỏ hàng...