close

Giao lưu cùng nhà văn Nhật Chiêu và dịch giả Nguyễn Thành Nhân


Thomas Hardy (2/6/1840 – 11/1/1928) là tiểu thuyết gia, nhà soạn kịch nổi tiếng người Anh. Trọn đời văn nghiệp, Thomas Hardy đã sáng tác tổng cộng 14 tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, hai vở kịch và chín tập thơ. Ông được công nhận rộng rãi là một nhà văn lớn của thế kỷ 19 và nhà thơ lớn của thế kỷ 20, được tặng thưởng Huân chương Công trạng và được đề cử cho giải thưởng Nobel Văn chương nhiều lần.

Nhiều nhà văn trẻ hơn, trong đó có Virginia Woolf rất hâm mộ các tác phẩm của ông. “Trở lại cố hương” được Thomas Hardy khởi thảo vào cuối năm 1876 và hoàn thành vào mùa xuân 1878, đây là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của ông và được công nhận rộng rãi là một trong những tiểu thuyết nổi bật nhất của Thomas Hardy, tác phẩm này tìm cách giải mã mối xung đột giữa tình yêu và tình cảm gia đình, giữa hiện thực và khát vọng, giữa tự nhiên hay định mệnh tàn ác vô tình và đời người hữu hạn.

Nhiều nhà phê bình tin rằng trong tác phẩm này, số phận hoàn toàn chiếm ưu thế; và các nhân vật là những nạn nhân bất lực của nó. Phải thừa nhận rằng số phận đóng một vai trò quan trọng, tuy nhiên có thể truy nguyên hầu hết các tấn thảm kịch từ các động cơ, quyết định và hành động của các nhân vật.

Virginia Woolf (tên thời con gái Stephen) (25/01/1882 – 28/3/1941) là một tiểu thuyết gia và là một nhà văn tiểu luận người Anh, bà được coi là một trong những nhân vật văn học hiện đại lừng danh nhất thế kỉ 20.

Trong suốt thời gian giữa chiến tranh, Woolf là một nhân vật có tầm ảnh hưởng của xã hội văn học London và là một thành viên của Bloomsbury Group. Trong “Căn phòng của Jacob”, cung cách viết của Woolf cùng lúc xót xa và tinh tế làm thành một mũi nhọn đâm thấu vào tận cùng ý thức người đọc.

Giữa đông đảo những gương mặt phụ đặt để một cách lướt qua trên nền tác phẩm, Jacob Flanders tự mình tồn tại như một kẻ xa lạ mà chúng ta được biết đến rất ít. Anh nổi lên ở đây như một tia sáng, rồi cũng biến mất trên trang tiểu thuyết.

Duy nhất một điều chắc chắn: Jacob sống gần như tự giam hãm trong rất nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm. Người ta bắt đầu yêu thích anh đồng thời thắc mắc về vai trò mà Woolf dành cho anh. Woolf giam chúng ta vào căn phòng xưa cũ ở Neville Court, Luân Đôn, nơi Jacob thích đọc sách, làm việc, mơ mộng, và có thể đã ham muốn… “Căn phòng của Jacob” đã hiện ra như thế, vượt lên trên tất cả trở thành một bài học tinh diệu về tính kiên nhẫn.

Về dịch giả Nguyễn Thành Nhân, anh không phải là cây bút xa lạ khi anh có hơn 10 đầu sách dịch đã ấn hành. Trong đó, anh dịch khá nhiều sách của tiểu thuyết gia kiêm nhà phê bình văn học người Anh Virginia Woolf.

Dịch giả Nguyễn Thành Nhân cũng đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết Mùa xa nhà, tập truyện ngắn Nhà văn già và Em Mọi nhỏ và một tập tạp văn Vũ điệu buồn của chữ… (Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành).

CÁC TIN KHÁC


Đang thêm vào giỏ hàng...