close

Người đưa văn học đấu tranh cách mạng đến với bạn đọc


PGS-TS Trần Trọng Đăng Đàn là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa nghệ thuật. Khác với nhiều nhà nghiên cứu khác hướng mục tiêu đến chuyên môn cụ thể, PGS-TS Trần Trọng Đăng Đàn ghi dấu ấn của mình trong giới học thuật Việt Nam bởi một tinh thần nghiên cứu đầy trách nhiệm, nghiêm túc và quan trọng nhất là luôn mang đậm tư tưởng đấu tranh cách mạng.

Dấn thân vào trận địa văn hóa

Từ công trình nghiên cứu Văn học trong cuộc đấu tranh tư tưởng tại miền Nam Việt Nam, giai đoạn 1954 - 1975, sau này Nhà Nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn hoàn thiện, bổ sung thành những tác phẩm như Nọc độc văn hóa thực dân mới Mỹ (NXB Tổng hợp TPHCM xuất bản năm 1983), Văn hóa văn nghệ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại Nam Việt Nam 1954-1975 (NXB Thông tin - NXB Long An năm 1990). Có thể nói, với những tác phẩm này, PGS-TS Trần Trọng Đăng Đàn là một trong những người đi đầu trong việc phê phán, vạch trần những tác phẩm phản động, chống phá cách mạng hay khuyến khích lối sống trụy lạc, sa đọa, làm suy yếu tinh thần yêu nước ở một bộ phận thanh thiếu niên khi đó. 

Dù có những lúc bị đả kích, nhưng thực tế những công trình nghiên cứu về văn học của ông đối với văn học miền Nam từ 1954 - 1975 đã góp phần không nhỏ cho việc nhìn nhận lại dòng văn học này, loại bỏ những tác phẩm xấu, tiêu cực, tái bản lại những tác phẩm hay, mang ý nghĩa tích cực. Đến nay, đã có gần 200 tác phẩm, tác giả miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 được xuất bản mới.

Không chỉ đấu tranh quyết liệt trên mặt trận văn hóa thời kỳ chiến tranh trực diện, sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, PGS-TS Trần Trọng Đăng Đàn vẫn tiếp tục dấn thân vào một “trận địa” mới: đấu tranh chống những tác phẩm xấu, nảy sinh trong những giai đoạn từ khó khăn hậu chiến đến thời mở cửa, phát triển kinh tế. Nhiều tác phẩm của ông được xem như nguồn tham khảo quan trọng với những nhà quản lý văn hóa, như: 23 năm cuối của 300 năm văn hóa nghệ thuật Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh (NXB Văn nghệ - 1998); Góp mấy dòng vào văn học (NXB KHXH - 1999); Nghệ thuật sân khấu Việt Nam (NXB Văn học - 2004).

Gửi đến mai sau 

Ở tuổi hơn 80, nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn vẫn miệt mài nghiên cứu, sáng tác; đến nay, theo ước tính, ông đã có hơn 300 công trình nghiên cứu, khảo sát, chuyên luận, tiểu luận, phê bình, tác phẩm và bài viết về văn học, sân khấu, điện ảnh. Không những thế, do đặc thù nghiên cứu đòi hỏi nguồn kiến thức khổng lồ, ông còn sưu tầm, tích lũy một lượng lớn tài liệu. Tất cả được ông tập hợp trong bộ sách có nhan đề Tổng tập Trần Trọng Đăng Đàn (ảnh).

Đây là công trình nghiên cứu đồ sộ cả về nội dung và hình thức, với hơn 7.200 trang sách khổ lớn (19 x 24cm), gần 200 trang phụ bản, hơn 15.000 tên tác phẩm thuộc nhiều thể loại, hơn 400 tác phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình… Theo đại diện NXB Tổng hợp TPHCM - đơn vị nắm bản quyền sách cho biết, với tầm quan trọng đặc biệt về giá trị khoa học, tư liệu của bộ sách, đơn vị đã quyết định mua bản quyền và sản xuất ebook với mục đích phục vụ đông đảo độc giả có cơ hội tiếp cận với công trình đồ sộ này mọi lúc, mọi nơi. 

Bộ sách đã được số hóa hoàn tất và chính thức phát hành vào đầu năm 2019. Đây được coi như một bước đột phá trong công tác xuất bản, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của internet, của các thiết bị điện tử thông minh và cách mạng công nghiệp 4.0.

Tổng tập Trần Trọng Đăng Đàn, bao gồm nhiều đề tài lớn, phạm vi chủ đề sâu rộng, được tác giả hoàn thành và công bố trong khoảng thời gian hơn 50 năm qua. Mỗi bài viết, mỗi công trình nghiên cứu trong bộ tổng tập gắn chặt với bối cảnh lịch sử xã hội, môi trường học thuật cụ thể, từ đó người đọc có thể tìm thấy nhiều tư liệu quý ở các lĩnh vực: văn thơ, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc... 

Trong đó, tác giả đã dành phần quan trọng về nội dung cũng như dung lượng để nghiên cứu về văn hóa - tư tưởng và văn học, nghệ thuật sản sinh trong các vùng Mỹ chiếm đóng tại Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975. Ngoài ra, một trong những đề tài nghiên cứu chính, cũng được tác giả đặc biệt lưu ý, đó là người Việt Nam ở nước ngoài từ thời điểm đất nước mới được giải phóng đến đầu thập kỷ 1990 của thế kỷ trước.

Bên cạnh việc cho phép số hóa các tác phẩm của mình, ông cũng đã mang tất cả những tác phẩm và toàn bộ số tài liệu quý được ông sưu tầm, tích lũy qua nhiều năm gửi tặng Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM, để bất cứ ai cũng có thể tiếp cận.

Số tài liệu trên khoảng 5.500 bản sách các loại, chủ yếu là các đầu sách về văn hóa, xã hội, chính trị… cùng hơn 5.500 tài liệu khác, trong đó có nhiều đầu báo, tạp chí, các luận văn, luận án, công trình nghiên cứu khoa học các cấp do ông trực tiếp hướng dẫn, phản biện cùng nhiều hồ sơ các loại… đã được ông sắp xếp, bảo quản, lập thẻ biên mục phù hợp với nghiệp vụ thư viện. Trong buổi trao tặng, khi được hỏi lý do để ông tặng toàn bộ tâm huyết cả đời, ông đã đáp rất ngắn gọn: “Gửi đến mai sau một chút lòng này”.

PGS-TS Trần Trọng Đăng Đàn sinh năm 1936 tại Cam Lộ, Quảng Trị. Ông tham gia cách mạng từ năm 1945, bắt đầu sáng tác từ năm 1956. Năm 1960, ông đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, viết lý luận, phê bình, khảo cứu về văn hóa, văn học. Năm 1987, ông tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Lý luận văn học tại Viện Văn học thế giới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô) với đề tài Văn học trong cuộc đấu tranh tư tưởng tại miền Nam Việt Nam, giai đoạn 1954 - 1975. 
Năm 1996, ông nhận bằng tiến sĩ triết học và văn chương của UNESCO. Năm 2016, ông đón nhận bằng khen của Thành ủy TPHCM và Huy hiệu TPHCM đối với những đóng góp của ông trong sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật của TPHCM.

VŨ YẾN - TƯỜNG VY

Theo: SGGP

CÁC TIN KHÁC


Đang thêm vào giỏ hàng...