Vào sáng ngày 8-12-2022, tại Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đã có buổi giao lưu thú vị về chủ đề "Câu chuyện văn hóa - Đón Tết".
Dịp cuối năm Tết đến, chúng ta thường thấy xuất hiện nhiều ý kiến xung quanh việc liệu có nên thay đổi ngày Tết truyền thống, hay đề xuất bỏ hẳn Tết Âm lịch để gộp chung kỳ nghỉ với Tết Dương lịch. Có nhiều ý kiến trái ngược nhau trong nhiều năm qua, một số ít ủng hộ thay đổi trong khi đa số cho rằng truyền thống quý giá của cha ông là không thể bỏ được.
Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng (tác giả cuốn Khảo luận về Tết) cho biết cả hai luồng ý kiến đều có những lý lẽ riêng, song điều ông quan tâm chính là cách những giá trị văn hóa được bàn đến. Câu chuyện về Tết cũng là câu chuyện về văn hóa và điều quan trọng là mọi người cần có một cái nhìn nghiêm túc, khoa học khi bàn đến vấn đề sự thay đổi của văn hóa.
Khảo luận về Tết là một tác phẩm được ông viết sau khi chứng kiến nhiều cuộc tranh luận về ngày Tết nhưng thiếu cơ sở về văn hóa, nhằm đem lại hiểu biết có khoa học hơn về ngày Tết cũng như văn hóa Việt Nam. Trong đó, tác giả Huỳnh Ngọc Trảng giải thích nguồn gốc của nhiều phong tục ngày Tết ở ba miền Bắc, Trung, Nam như các tập tục viết câu đối và chơi chữ, các tập tục kiêng kỵ đầu năm, tục xông đất, tiễn ông Táo về trời, các nghi lễ tế tự ngày Tết từ thời Trần đến thời Nguyễn ra sao…
Qua câu chuyện ngày Tết và câu chuyện văn hóa, ông cố gắng khơi gợi ở những người trẻ một cái nhìn nghiêm túc, khoa học hơn khi bàn về vấn đề văn hóa. Ông cho rằng khi bàn đến vấn đề văn hóa, "chúng ta phải hiểu rất kỹ về văn hóa truyền thống và những cái mới thì mới có thể tổng hợp mới - cũ được”.
Trong quy luật phát triển của văn hóa, chúng ta cần giữ được sự liên tục văn hóa. Ông nói: “Chúng ta quan tâm đến truyền thống, học tập truyền thống, nhưng chúng ta không thể là tín đồ của truyền thống - tức chỉ tuân theo mà không có sự phản biện, phê phán. Truyền thống của mình nếu có những thứ hủ lậu thì phải bỏ đi”.