Sau hai quyển sách vừa tái bản “Mình đang sống cuộc đời của ai” và “Có những ngày chông chênh giữa phố”, “Đám mây trò chuyện với chân trời” được Minh Mẫn tiếp nối trình làng bạn đọc. Đây như là một món quà “gửi tặng những năm tháng tuổi trẻ của tất cả chúng ta!”- những dòng văn được tác giả viết mở đầu tác phẩm đầy trân trọng.
Sách có độ dày 260 trang và 12 chương xuyên suốt kể về nhân vật chính là Vỹ. Hành trình tuổi trẻ của một chàng trai tên Vỹ, từ lúc mười chín tuổi rời Huế vào Sài Gòn với những hoài bão và khao khát của riêng mình. Hành trình chinh phục những giấc mơ của Vỹ cũng đồng thời với việc cậu tìm kiếm sự kết nối với gia đình, mong chờ sự thấu hiểu từ ba. Sau những gì đã trải qua với tuổi trẻ của mình, với hệ giá trị mình đã cố công theo đuổi, Vỹ cũng nghiệm ra một điều, thành công lớn nhất mà cậu muốn đạt tới chính là hạnh phúc. “Tôi tin có một ngày đám mây sẽ bay đến thật gần chân trời, trong sự mãn nguyện và an nhiên, rằng cuối cùng chân trời có chờ đợi nó.”
Những mộng tưởng tự do, những thành tựu phi thường cuối cùng có nghĩa lý gì với bản thân đâu nếu Vỹ không có ai để chia sẻ, để đồng cảm, để cùng khóc cùng cười với nó. Vỹ không cần trở thành một ốc đảo bơ vơ giữa sa mạc bao la, cũng không muốn làm một đám mây lẻ loi trên bầu trời rộng lớn. Ngày bước vào Sài Gòn để sống cuộc đời mình mong chờ, Vỹ từng nghĩ cái giá của tự do là cô đơn. Nhưng dần dần cậu tin rằng, khi yêu thương và được yêu thương, người ta vẫn hoàn toàn tận hưởng được tự do trong nó. Và đó chính là hạnh phúc thật sự.
Hình ảnh đám mây và chân trời trong tác phẩm mang hai ý nghĩa: Đám mây tượng trưng cho tuổi trẻ, còn chân trời chính là những mộng tưởng, khát khao. Còn nữa, đám mây giống đứa con, còn chân trời chính là cha mẹ. Rất gần và cũng rất xa. Để chạm đến sự thấu hiểu, nhiều người mất cả cuộc đời.
Điều hạnh phúc nhất với Vỹ là lời hồi đáp của “chân trời” trong thâm tâm mình. Nhân vật Vỹ hỏi mẹ:“Mẹ ơi, con có thể sống cuộc đời con muốn không mẹ?”. Mẹ đáp lời: “Con có quyền đó. Đi đi rồi làm những gì con thích và chịu trách nhiệm với nó. Khi nào nhớ nhà thì lại về. Tất cả luôn ở đây chờ con, chẳng có gì thay đổi hết.” Vậy đó, tình thương gia đình rộng mở, bao dung làm cho những đứa con cảm thấy tất cả những mệt nhọc, khó khăn ngoài kia đều có điểm tựa vững chải để vượt qua. Khoảnh khắc Vỹ khắc ghi trong trái tim về sự nhìn nhận bao dung mà ba dành cho mình: “Chân trời đó còn là giây phút tôi được ba tôi công nhận, rằng ông sẽ yêu thương và trân trọng những gì tôi lựa chọn cho cuộc đời mình… hãy bay đi, hãy sống thật trọn vẹn những ngày tháng sắp tới.”
“Đám mây trò chuyện với chân trời” đề cập đến khát vọng tuổi trẻ và hành trình tìm kiếm sự thấu cảm từ gia đình. Một cuộc đời dù có nhiều thành tựu đến đâu đi chăng nữa mà không có sự yêu thương, thấu hiểu, không có ai để chia sẻ, đồng cảm thì chẳng bao giờ có được hạnh phúc.