Ngày 8-11, PGS-TS Trần Trọng Đăng Đàn, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Khoa học xã hội (Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), từ trần sau thời gian bệnh nặng. Báo SGGP trân trọng giới thiệu bài viết về ông của Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Trần Trọng Dũng.
Đồng chí Trần Trọng Đăng Đàn (phải) và anh trai, đồng chí Trần Trọng Tân
Ba tôi có 6 anh em, 5 anh em trai và em gái út, ba tôi thứ hai, chú Trần Trọng Đăng Đàn thứ tư. Nghe ba kể, từ nhỏ khi còn ở quê nhà Quảng Trị, chú Đàn là cậu học trò thông minh, rất khéo tay, chân tình. Khi ba mẹ tôi sinh anh trai đầu, chú Đàn đan một cái nôi bằng tre tặng cháu. Khi cả gia đình tập kết ra Bắc, chú vẫn thường đạp xe thăm ba mẹ tôi. Năm 1957, chú được cử đi Liên Xô học về kỹ thuật điện.
Vợ chú kể, chú học giỏi các môn và đặc biệt yêu thích văn học Nga. Vì niềm say mê văn chương, khi về nước chú về Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội và cống hiến cả cuộc đời cho công việc nghiên cứu, viết sách về văn hóa, nghệ thuật, xã hội. Cuộc đời chú là tấm gương nghị lực, tự học và tràn đầy nhiệt huyết lý tưởng cách mạng. Khi làm ở Viện Văn học, chú có nhiều bài viết, tranh luận sôi nổi về các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Tôi nhớ một kỷ niệm nhỏ về chú, đó là vào khoảng năm 1974, khi học lớp 7, tôi viết một bài văn được cô giáo khen trước lớp. Mẹ tôi kể cho chú, chú mừng lắm, nhắn tôi đem cuốn vở tập làm văn đến nhà cho chú xem. Nhà chú là một gác nhỏ trong khu tập thể Hội Nhà báo Việt Nam (nơi vợ chú công tác). Chú đọc xong, xoa đầu khen viết súc tích nhưng cần chân thực hơn, tránh sáo rỗng. Đó là bài học đầu tiên mà tôi học được từ chú.
Những năm sau giải phóng, chú về công tác ở Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ tại TPHCM và đi nhiều, viết nhiều, cộng tác cho nhiều tờ báo, làm Tổng biên tập Tạp chí Khoa học xã hội của viện. Mỗi lần tôi đến thăm, chú lại hào hứng kể những ước vọng, hoài bão, mong muốn thực hiện. Chú luôn hỏi về công việc của tôi khi còn làm báo cũng như sau này khi về Hội Nhà báo TPHCM. Chú dặn: “Làm gì cũng phải chú tâm, có kế hoạch và đã đặt ra phải thực hiện cho được”.
Khi ba tôi nghỉ hưu, chú thường đến thăm và nói chuyện rất lâu. Chú còn giúp tập hợp tư liệu về các bài viết của ba mấy chục năm qua, xếp cẩn thận, ghi chú theo thứ tự thời gian. Vì vậy, vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, khi Giám đốc NXB Văn hóa văn nghệ TPHCM nhờ tập hợp một số bài viết của ba tôi về xây dựng Đảng, tôi mang tới các tập tài liệu đã xếp sẵn, NXB chỉ việc chọn và cho đánh máy, in thành sách Rạng rỡ những trang sử vàng. Ngày nhận sách, người đầu tiên tôi mang đến tặng là chú Đàn với lời cảm ơn chân thành: “Nếu không có chú chắc không có cuốn sách này”.
Một ngày tháng 7-2016, chú điện thoại nói tôi dành thời gian đến dự buổi giao lưu và giới thiệu Tổng tập Trần Trọng Đăng Đàn tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM. Hôm ấy có cả gia đình chú đến dự. Nhìn trong ánh mắt chú rạng ngời niềm vui và hạnh phúc. Chú bảo quỹ thời gian sắp hết, tranh thủ làm những gì hữu ích cho đời. Tôi nghĩ là chú nói đùa thôi...
Hai năm gần đây, chú trở bệnh. Sau chuyến về thăm quê trước đợt bão lũ, đến thăm chú và báo lại tình hình quê nhà, trên giường bệnh, chú nhìn hình ảnh quê nhà Quảng Trị rồi nước mắt rưng rưng, chúng tôi cũng rưng rưng.
Tuần trước, nghe tin chú vào bệnh viện cấp cứu, mấy anh em chúng tôi vào thăm trong khu điều trị săn sóc đặc biệt, chỉ nhìn chú từ xa. Thương chú quá và không bao giờ có thể nghĩ đó là lần cuối cùng gặp chú.
Hôm nay chú đi xa rồi, tôi nhớ chú, viết mấy dòng như nén nhang tiễn biệt. Chú thanh thản đi nhé, vĩnh biệt chú yêu quý - chú Trần Trọng Đăng Đàn.
Bộ Tổng tập Trần Trọng Đăng Đàn gồm 6 quyển với hơn 7.200 trang sách được Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM cùng với PGS-TS Trần Trọng Đăng Đàn chuẩn bị trong 2 năm (2014-2016). Sách tập hợp hơn 400 tác phẩm bao gồm những bài tiểu luận, phê bình; những công trình nghiên cứu về văn học, nghệ thuật, văn hóa tư tưởng, khoa học xã hội nhân văn đã hoàn thành và công bố trong khoảng thời gian hơn 50 năm qua. |
TRẦN TRỌNG DŨNG - Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM
(Nguồn báo Sài Gòn Giải Phóng)