close

Kỷ niệm 100 năm thuyết tương đối rộng


GT sach Enstein-1.jpg
     Tháng 11 năm 2015 này sẽ đánh dấu sự kiện 100 năm Einstein trình bày Thuyết tương đối rộng trước Viện Hàn lâm khoa học Phổ, hoàn thành tòa nhà vật lý Thuyết tương đối. Năm 1916, Thuyết tương đối rộng được công bố trên tạp chí Annalen der Physik và cuối năm này, Einstein cũng viết xong tác phẩm Thuyết tương đối hẹp và rộng bất hủ, trình bày cho đại chúng các ý tưởng chính của thuyết này cũng như của thuyết tương đối hẹp, được xuất bản vào đầu năm 1917 tại Nxb Vieweg & Sohn, nước Đức.
    Thuyết tương đối rộng chính là thuyết tương đối hẹp được bao gồm thêm lực hấp dẫn, một lực gắn kết các thiên hà và cụm thiên hà lại với nhau chống lại sự giãn nở gia tốc của vũ trụ. Theo thuyết tương đối rộng, lực hấp dẫn không còn là một “lực” nữa, mà là độ cong của không - thời gian. Hay nói một cách khác, độ cong của không thời gian chính là sự biểu thị của lực, đúng như ý tưởng ban đầu của Riemann. Không gian và thời gian mà chúng ta sống và các vật thể chuyển động trong đó cũng không còn là cố định hay tuyệt đối, như Newton đã quan niệm. Chúng bị cong và co giãn bởi sự hiện diện của vật chất và năng lượng. Không gian, và thời gian không phải là cái sân khấu cố định và có sẵn cho vật chất, mà chúng tồn tại hoặc biến mất cùng với vật chất. Chúng cũng không phải không gian Euclid và “tiên nghiệm” như Kant quan niệm, mà là phi-Euclid với các độ cong.
    Đây là sự kiện vật lý quan trọng thứ hai sau sự ra đời cuốn Về các vòng quay của các thiên thể hình cầu trên bầu trời của Nicolas Copernicus (1473 - 1543), xuất bản năm 1543, đã trình bày lý thuyết về Hệ nhật tâm, lật đổ lý thuyết Hệ địa tâm của Aristotle và Ptolémée được Giáo hội Công giáo ủng hộ và gây chấn động thế giới. Với lý thuyết này, quan niệm Trái đất nơi con người sống như là trung tâm vũ trụ đã bị lật đổ, thay vào đó nó chiếm một vị trí nhỏ bé bên rìa hệ mặt trời của chúng ta.
   Cùng với thuyết tương đối hẹp, vốn trình bày về sự cong của không gian, sự kéo dài của thời gian; giải thích cấu trúc của không - thời gian, thuyết tương đối rộng năm 1915 hoàn thành tòa nhà Thuyết tương đối hẹp của Einstein. Cũng giống như lý thuyết của Copernicus, sau gần 400 năm, lý thuyết của Einstein càng gây chấn động cả thế giới hơn, đã cách mạng đến nền tảng khái niệm về thế giới: thời gian, không gian, lực hấp dẫn và năng lượng. Hai lý thuyết của Einstein, cũng như lý thuyết thiên văn của Copernicus, đã gây chấn động thế giới khi nó có các kết quả trái ngược với trực quan của chúng ta, bao gồm của việc xóa bỏ thời gian tuyệt đối. Đến đây, ta thấy thuyết tương đối của Einstein không chỉ đơn thuần là lý thuyết vật lý mà còn là nhận thức luận, chạm đến các vấn đề sâu thẳm của triết học.
   Từ lý thuyết của Einstein, hàng loạt các lý thuyết khác được hiểu rõ hơn, cho con người sức mạnh hiểu được các chiều sâu của vũ trụ. Nó giúp con người hiểu sự hình thành và tiến hóa của vũ trụ, sự “Tạo thiên lập địa” với vụ nổ Big Bang, và những hiện tượng khác trong vũ trụ như ánh sáng bị cong, không gian cong, sự chuyển dịch đỏ, đồng hồ chạy chậm hơn ở những nơi trường hấp dẫn mạnh hơn, thấu kính hấp dẫn, bức xạ nền của vũ trụ thời trẻ, tuổi của vũ trụ, sự giãn nở, giãn nở gia tốc, sóng hấp dẫn, các pulsar, quasar, lỗ đen. Đi xa hơn, thuyết tương đối của Einstein chính là nền tảng cho sử khởi đầu của các lý thuyết truy tìm sự thống nhất của toàn vũ trụ như: Hấp dẫn lượng tử, Thuyết siêu dây, hay Thuyết-M, Nguyên lý toàn ảnh…
    Như đã nói, năm 1916, Einstein đã viết cuốn Thuyết tương đối hẹp và rộng với mục đích đưa ra lời giải thích đơn giản cho những người không chuyên hiểu sâu lý thuyết này của ông: “Cuốn sách này được viết ra - trong chừng mực có thể - để mang lại một thức nhận chính xác về Thuyết tương đối cho những độc giả quan tâm đến lý thuyết này, từ một quan điểm khoa học và triết học phổ cập, nhưng lại không phải là những người thành thạo các công cụ toán học của vật lý lý thuyết” (trong Lời nói đầu lần xuất bản thứ nhất). Và cuốn sách đến nay vẫn tự chứng tỏ nó là một trong những sự giải thích rõ ràng sáng sủa nhất về Thuyết tương đối.
   Sau sự kiện độ lệch của ánh sáng mà Einstein tiên đoán trong trường hấp dẫn của mặt trời được hai đoàn thám hiểm Anh xác nhận đúng vào năm 1919, báo Times Luân Đôn chạy hàng tít lớn: “Cách mạng trong Khoa học – Lý thuyết mới của Vũ trụ - Ý tưởng của Newton bị lật đổ” (vào ngày 7 tháng 11 năm 1919). Cuốn Thuyết tương đối hẹp và rộng ngay sau đó được dịch sang tiếng Anh (1920), tiếng Pháp (1921), tiếng Ý (1921), tiếng Nhật (1921), tiếng Nga (1921), tiếng Hoa (1922), tiếng Hebrew (1928), và nhiều thứ tiếng khác nữa.
   Einstein là nhà khoa học của toàn nhân loại, nhưng ông không trú trong tòa “tháp ngà” khoa học đơn thuần mà ông còn là một chiến sĩ dấn thân đấu tranh cho hòa bình và tự do của loài người. Chính cuộc đời và sự nghiệp Einstein đã hấp dẫn bao thế hệ tìm hiểu không chỉ về lý thuyết khoa học của ông mà còn về bản thân ông như một biểu tượng của trí tuệ và người trí thức trong thế kỷ XX. Điều này khiến việc đọc tiểu sử của ông, một nhà khoa học lý thuyết, không hề nhàm chán mà đầy thú vị như một cuốn tiểu thuyết, đặc biệt qua tài viết của tác giả Nguyễn Xuân Xanh với cuốn Einstein.
   Để đánh dấu sự kiện của năm 1915 trong vật lý học, dịch giả - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Xanh cùng Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành tái bản bản dịch Thuyết tương đối hẹp và rộng (xuất bản lần đầu năm 2014) và đồng thời tái bản cuốn Einstein (xuất bản năm 2007, được giải Sách Hay năm 2008) của cùng tác Nguyễn Xuân Xanh như một món quà “song trùng” dành cho quý độc giả.


CÁC TIN KHÁC


Đang thêm vào giỏ hàng...