close

Giao lưu cùng TS. Nguyễn Thị Hậu với chủ đề “Đánh thức di sản đô thị” 24-4-2024


Vào ngày 24 tháng 04 năm 2024, Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn tổ chức buổi giao lưu cùng TS. Nguyễn Thị Hậu với chủ đề “Đánh thức di sản đô thị”. Chương trình hướng đến kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024) và 138 năm ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 – 01/5/2024).

 

 

 

Buổi trò chuyện xoay quanh việc kết nối di sản đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh gắn với tiềm năng phát triển du lịch. Các tác phẩm gắn với di sản và đô thị gần đây của TS Nguyễn Thị Hậu có thể kể đến như: Đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Khảo cổ học và bảo tồn di sản (2019); Mỗi ngày ta sống (2019); Thương những miền qua (2023). Với mục đích gìn giữ, bảo tồn và phát triển giá trị di sản đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là giới thiệu những di sản tiêu biểu và vai trò của di sản đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh gắn với phát triển du lịch. Đối với ngành du lịch, thì di sản chính là tài nguyên để xây dựng và quảng bá du lịch, để các bạn sinh viên có cách nhìn đúng, nắm bắt vấn đề rõ hơn.

 

 

Trong sách Đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Khảo cổ học và bảo tồn di sản, TS Nguyễn Thị Hậu có nhắc đến: "Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh có quỹ di sản cảnh quan và kiến trúc đô thị đặc sắc, đa dạng và phong phú. Lịch sử mỗi đô thị cũng như chuỗi vòng xoắn ADN kéo dài vô tận mà trong đó sự "phát triển" kinh tế và sức sống mới từ những tế bào nhân đôi, nhưng "bảo tồn" di sản văn hóa lại giữ vai trò cấu trúc ổn định của chuỗi vòng xoắn. Khi cấu trúc này bị phá vỡ, đô thị không còn bản sắc riêng. Một đô thị không có bản sắc riêng thì nó sẽ biến mất trong nhận thức và ký ức cộng đồng, sớm hay muộn mà thôi".

 

 

Chương trình gồm 3 phần: Phần 1. Giới thiệu về di sản đô thị và vai trò của di sản đô thị trong quá trình phát triển du lịch; Phần 2. Quan điểm về bảo tồn và phát triển di sản đô thị; Phần 3. Kết nối di sản đô thị với hoạt động du lịch. Thành phố Hồ Chí Minh được xem là thành phố thân thiện cả về tính cách con người lẫn yếu tố cảnh quan. Tiềm năng cùng giá trị bền vững của du lịch đến từ di sản, dựa vào đặc trưng lợi thế của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh như: Đô thị sông nước, hướng biển; Trung tâm kinh tế, dịch vụ; Đô thị đa dạng văn hóa, tộc người; Đô thị được quy hoạch và xây dựng theo kiểu Phương Tây. Cần nhận diện các loại hình di sản đô thị: Di tích khảo cổ học; Di tích cảnh quan đô thị; Công trình kiến trúc nghệ thuật; Di tích tín ngưỡng - tôn giáo; Nhà cổ và cảnh quan biệt thự. Từ di sản đô thị đến sản phẩm du lịch: Di sản đô thị là hệ thống những di tích công trình thuộc về cấu trúc đô thị, phản ánh đời sống mọi mặt của đô thị. Tất cả những di sản này đều có thể trở thành sản phẩm du lịch. Đời sống du lịch của cộng đồng có rất nhiều mặt thú vị như ẩm thực, đi dạo đêm, cảnh quan công cộng sinh hoạt ở những điểm văn hóa…

Vì vậy, cần nhận biết đây là nguồn tài nguyên quý giá cần tìm hiểu kỹ lưỡng để bảo tồn di sản đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh trong cơn lốc đô thị hóa.

Trong khoảng thời gian từ 2023 đến đầu năm 2024 trở lại đây, khách du lịch quốc tế đến với Thành phố Hồ Chí Minh trên đà tăng trở lại. Thị trường du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thắp lên không khí sôi động và nhộn nhịp. Đặc biệt, các tour nội thành đang được khách du lịch quan tâm và lựa chọn khi đến với Thành phố Hồ Chí Minh. Những địa điểm du lịch phổ biến như Bưu điện Thành phố, Dinh Độc Lập, và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thu hút sự quan tâm của du khách, cùng với các tour khám phá trung tâm thành phố bằng xe buýt 2 tầng, buýt sông, thuyền trên sông. Các chuyến tham quan Biệt động Sài Gòn đang trở thành điểm đến phổ biến đối với du khách quốc tế.

Phần lớn các điểm tham quan là các di sản đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, việc tổ chức chuyên đề “Đánh thức di sản đô thị” là chuyên đề cần thiết dành cho các bạn sinh viên theo học du lịch tại trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn. Thông qua buổi trò chuyện “Đánh thức di sản đô thị” sẽ giúp các bạn hiểu rõ giá trị và vai trò của di sản đô thị trong quá trình phát triển du lịch. Sự khác biệt, độc đáo của di sản đô thị Thành phố Hồ Chí Minh so với các tỉnh/thành khác, có cái nhìn hay hơn, hấp dẫn hơn đối với di sản Thành phố để cung cấp thông tin cho du khách.

 

 

Trong buổi trò chuyện, các bạn sinh viên đặt những câu hỏi dành cho TS. Nguyễn Thị Hậu như: Làm cách nào để tìm nguồn tài liệu sách vể đề tài di sản đô thị Sài Gòn - TPHCM phục vụ cho ngành học và công việc? Trong quá trình nghiên cứu về bảo tồn di sản, cô có cảm nhận về TP. HCM có gì đặc trưng và khác so với các thành phố khác và trên thế giới? Trong quá trình phát triển đô thị của thành phố gặp phải những thách thức nào? Cô có thể gợi ý những nguồn tư liệu về di sản đô thị của thành phố từ sách để các bạn sinh viên có thể tiếp thêm nền tảng hiểu biết không? Nội dung trò chuyện giúp các bạn sinh viên hiểu rõ quan điểm bảo tồn và phát triển di sản đô thị, từ đó làm cơ sở, tự nâng cấp kiến thức để vận dụng vào thực tiễn, phục vụ ngành nghề sau khi ra trường. Kết nối di sản đô thị với tiềm năng du lịch là cầu nối giữa bảo tồn giữ gìn quá khứ hào hùng và phát huy cho tương lai phát triển tươi sáng.

 

 

 

 

Thông tin diễn giả:

Nguyễn Thị Hậu (TS. Khảo cổ học)

Tham gia vào hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử, văn hóa tại trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Hiện là Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM.

TS. Nguyễn Thị Hậu quê ở An Giang, sinh ra ở Hà Nội và sống ở Sài Gòn. Ngay từ thuở bé ở Hà Nội, dù chưa từng được thấy quê nội và quê ngoại nhưng truyền thống gia đình Nam bộ lưu giữ cho Nguyễn Thị Hậu một tình yêu quê hương hồn nhiên, thương về cội rễ. Nghề khảo cổ học cho tác giả những thấm thía nghĩ suy về giá trị của những cổ vật trong lòng đất ở ngay trong lòng đô thị Sài Gòn và vùng ven đô Sài Gòn hay những vùng miền đất cổ ở đồng bằng sông Cửu Long.

 

CÁC TIN KHÁC


Đang thêm vào giỏ hàng...