close

Kỳ diệu nghệ thuật nói lái của tiếng Việt


NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành Nghệ thuật nói lái qua ngôn ngữ dân gian Nam bộ của nhà nghiên cứu Nam Chi Bùi Thanh Kiên. Đây được xem là cuốn sách khái quát tương đối đầy đủ từ lịch sử hình thành, các cách nói lái và đời sống xã hội trong quá trình nghệ thuật nói lái phát triển.

Nghệ thuật nói lái qua ngôn ngữ dân gian Nam bộ còn sưu tầm khá đầy đủ các câu chuyện nói lái từ Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, Cống Quỳnh, Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, Tú Mỡ, Bùi Giáng, Tố Mỹ, Võ Quê…; đến các cách nói lái kháng chiến, nói lái kiểu Quảng Nam, nói lái bằng tiếng Pháp, lối dịch chữ Hán - Việt rồi lái…
Nghệ thuật của lưu dân
Theo ông Nam Chi, nghệ thuật nói lái xuất phát từ Bắc Trung Bộ gồm hai đại diện ở thế kỷ 18 là Cống Quỳnh (Thanh Hóa) và Hồ Xuân Hương (Nghệ An). Từ đó, nghệ thuật nói lái theo dấu chân của lưu dân đi cùng các chúa Nguyễn vào Nam. Đến vùng đất Quảng Nam, nơi các lưu dân dừng lại lâu nhất để chuẩn bị đi tiếp vào Nam bộ, nói lái tự phát nơi đây rất phát triển song hành cùng sự có mặt của chữ Quốc ngữ.

Tác giả Bùi Thanh Kiên

Đọc Nghệ thuật nói lái qua ngôn ngữ dân gian Nam bộ, có thể thấy nói lái gắn với giới bình dân như một thú chơi chữ tự phát. Giới bình dân nói lái vì loại hình này thường gắn với cái “tục” mà họ không muốn nói thẳng mà phải đi qua đường vòng. Giới nhà giàu, quan lại thường bị chi phối bởi lề thói đạo đức nên khá e ngại nói lái. Thêm nữa, các lưu dân sống xa “mặt trời”, họ không sợ bị phạm húy hay đụng chạm đến quan quyền khi nói lái.
Hậu duệ của Cống Quỳnh, Hồ Xuân Hương mấy trăm năm sau xuất hiện rất nhiều. Họ không chỉ nói lái để mua vui, mà còn nâng tầm lên thành nghệ thuật qua các vần thơ. Nhà nghiên cứu Vũ Đức Sao Biển cho rằng thi sĩ Bùi Giáng rất “quỷ quái” trong chuyện này khi ông nói lái trong thơ rất “tục”, song nếu không biết nghệ thuật nói lái thì khó nhận ra. Cá biệt, vài nhà thơ như Võ Quê (Huế) in hẳn cả một tập “thơ lái”. Chẳng hạn năm 1999, Huế mưa lụt kinh hoàng, Võ Quê “nói lái ra thơ”: “Trời lụt ca nhi cũng trụt lời/ Trời đong mưa lũ xuống trong đời/ Vái lạy lụt tan lành váy lại/ Đời cho du khách dạo đò chơi”.
 

Bìa sách “Nghệ thuật nói lái”

Phản kháng lại bất công
Nói lái không chỉ là nghệ thuật của chơi chữ, các tác giả vô danh và hữu danh còn mượn nghệ thuật này để phản kháng lại bất công và những hiện tượng xã hội. Thời cả dân tộc hăm hở đi kháng Pháp, dân gian có câu “Thầy tu mô Phật cũng thù Tây”. Hay khi người dân bị dồn vào các ấp chiến lược, họ có thơ nói lái phản kháng: “Chiến lược rào dân khắp bốn làng/ Thi hành đạo dụ mấy thằng quan/ Ngày thì lặt cỏ, đêm làm cột/ Nắng cực dân làng chẳng dám than/ Khi mõ đánh reo, khu có động/ Cồn lân, cồn lạc đứng đầy làng/ Bắt cụ già nua ra tiếp rước/ Môn làng, bà quận đứng nghênh ngang”.
Hoặc khi bức bối trước vấn đề dân sinh như chuyện xăng tăng giá, nhà thơ Võ Quê có thơ lái phản ánh: “Dầu xăng tăng giá dạ giăng sầu/ Đầu tiên trăn trở bạc tiền đâu/ Giật gấu vá vai theo vật giá/ Thâu đêm nhức nhối nghĩ thêm đau!”. Và khi vật giá tăng cao vào mỗi dịp cuối năm: “Vật giá leo thang gạo lỏng nồi/ Nỗi lòng xa xót bạn nghèo ôi!/ Ngồi eo sèo với bao gian khó/ Gió khan đắng họng tái tê đời’.
Để làm thơ nói lái hay sử dụng nói lái trong giao tiếp hàng ngày, người nói lái phải “khổ luyện” như người ta tập võ. Có đến hơn chục cách nói lái trong ngôn ngữ Nam bộ, nhiều cách lắt léo đến độ mới nghe qua khó mà giải mã được. Ví dụ: để cảm ơn một ai đó, người “lái giỏi” nói “tam giác”. Hai từ “tam giác” được diễn nghĩa: “Tam giác = tát giam. “Tát”= “đánh”, “giam” = “nhốt”, mà “đánh nhốt” = “đốt nhánh”. “Đốt” = “thiêu”, “nhánh” = “cành”. “Thiêu cành” = “Thanh Kiều (thank you)” = Cảm ơn.
Ngôn ngữ thể hiện sự phát triển của một dân tộc, nhiều dân tộc chẳng những không có chữ viết mà tiếng nói của họ cũng dần mất đi trên quả đất này. Nghệ thuật nói lái qua ngôn ngữ dân gian Nam bộ của nhà nghiên cứu Nam Chi Bùi Thanh Khiêm cho thấy sự phong phú, giàu có của ngôn ngữ người Việt.
Đôi nét về Nam Chi Bùi Thanh Kiên
Nhà nghiên cứu Nam Chi Bùi Thanh Kiên (1941 - 2017) quê ở Bến Tre, ông từng đỗ hai bằng: cử nhân Văn khoa và cử nhân Giáo khoa Triết học Đông Phương của trường Văn khoa Sài Gòn trước đây. Nghệ thuật nói lái qua ngôn ngữ dân gian Nam bộ được ấn hành sau khi ông qua đời hơn một tháng; ông còn có Phương ngữ Nam bộ - Ghi chép và Chú giải, 2 tập in năm 2015.

Hoàng Nhân

Nguồn : Thethaovanhoa.vn

CÁC TIN KHÁC


Đang thêm vào giỏ hàng...