close

Quốc vương xứ Sedang - câu chuyện Tây nguyên thời thế kỷ XIX


Quốc vương xứ Sedang - câu chuyện Tây nguyên thời thế kỷ XIX - Ảnh 1.

Tác giả Lê Nguyễn (trái) đang thuật lại câu chuyện ly kỳ của nhân vật Marie đệ nhất - Ảnh: L.ĐIỀN

Tác giả Lê Nguyễn đã dựa phần lớn vào quyển sách khảo cứu của Maurice Soulié có nhan đề Marie I - Roi des Sedangs 1888 -1890 và các nguồn tư liệu từ tập san Đô thành Hiếu cổ (BAVH) để dựng lại cuộc đời của nhân vật David de Mayréna (tên đầy đủ là Auguste Jean - Baptiste Marie Charles David) sinh năm 1842 tại Tulon - Pháp.

Cùng "nắn dòng" lịch sử ở Đông Dương thời thuộc Pháp

Đây là câu chuyện ly kỳ nếu xét theo diễn tiến thăng trầm trong cuộc đời của một người Pháp có quá nhiều chìm nổi, nhúng tay vào nhiều chuyện lớn nhỏ và không ít lần có tác dụng "nắn dòng" lịch sử ở Đông Dương thời thuộc Pháp dù vô tình do vận may hay cố ý do bản tính phiêu lưu và tinh thần kiên trì tìm kiếm chiến thắng hiếm thấy.

Điểm đầu tiên đáng chú ý ở David de Mayréna là năm 20 tuổi, ông đã có mặt trong lực lượng kỵ binh Pháp ở Nam Kỳ (khoảng năm 1861-1862). Sau đó, khi quay về Pháp, ông xuất bản quyển sách về xứ sở Nam Kỳ, nhan đề Souvenirs de Cochinchine (Hồi ức về Nam Kỳ), do nhà xuất bản J. Lauren ở Toulon ấn hành. Quyển sách này được tác giả Lê Nguyễn nhận xét là "biên khảo khá súc tích về xứ sở Nam Kỳ".

Quốc vương xứ Sedang - câu chuyện Tây nguyên thời thế kỷ XIX - Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Tư năm nay 98 tuổi cũng có mặt. Ông phát biểu rằng rất cần người khai thác kho sử liệu tiếng Anh - Pháp như tác giả Lê Nguyễn để giúp người đọc hôm nay nắm được lịch sử nước nhà - Ảnh: L.ĐIỀN

Số phận thăng trầm cộng với bản tính ma lanh thủ đoạn đã đưa David de Mayréna trở lại Nam Kỳ với dự án tìm hiểu cây cao su. Ông sống ở Bà Rịa với cô vợ người Chăm Ahnaia tên Việt là Lê Thị Bên cho đến khi chương trình cao su bị vỡ lở dở dang, lâm vào rắc rối với chính quyền Pháp tại Nam Kỳ. Sau đó, David de Mayréna về Sài Gòn viết báo kiếm sống qua ngày.

Tháng 3-1888, vị Toàn quyền Đông Dương đầu tiên là Jean Atoine Ernest Constans muốn tìm một người có đủ khôn ngoan, liều lĩnh và thủ đoạn để thay mặt chính quyền Pháp dấn bước lên vùng cao nguyên miền Trung thu phục các sắc dân thiểu số tại đây. Và David de Mayréna được chọn.

Ông cùng với vợ Chăm, một anh bạn, nhóm tùy tùng đã dấn bước lên cao nguyên, cùng với sự trợ giúp đắc lực của vị Công sứ Pháp tại Bình Định và các vị giáo sĩ từ Quy Nhơn đến Kon Tum, tiến hành một loạt các hoạt động đầy tính phiêu lưu mạo hiểm và đạt nhiều kết quả ngoài mong đợi.

Cuộc đời ly kỳ của Quốc vương xứ Sedang

Quốc vương xứ Sedang - câu chuyện Tây nguyên thời thế kỷ XIX - Ảnh 3.

Bạn đọc xin chữ ký của tác giả Lê Nguyễn nhân buổi ra mắt sách - Ảnh: L.ĐIỀN

Khi tiếp xúc với người Sedang và trong một tình thế hiểm nghèo tưởng sắp mất mạng, David de Mayréna bỗng dưng nhận được sự thần phục của cộng đồng buôn trưởng Sedang, thừa nhận ông là "đấng cứu thế của người Sedang".

Từ đó, ông lập ra Vương quốc Sedang, trở thành quốc vương Sedang giữ niên hiệu là Marie đệ nhất. Tuy nhiên, số phận của David de Mayréna vẫn lận đận, cuộc tiếp xúc với Lào và Xiêm không thành, trong khi cái "vương quốc Sedang" của ông lại nhanh chóng nổi loạn và ngay cả các giáo sĩ giúp ông những ngày đầu cũng quay lưng với ông...

Cuộc đời của David de Mayréna vẫn còn nhiều ly kỳ. Nhưng qua tác phẩm này, người đọc có thể nhận ra vào những năm cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp đã trực trị Nam Kỳ, vùng đất Tây nguyên vẫn còn trong tình trạng chông chênh giữa bàn cờ các nước đang tìm kiếm thuộc địa...

Theo Tuổi Trẻ

CÁC TIN KHÁC


Đang thêm vào giỏ hàng...