close

Tôi chết bắt đầu một thế giới sống: Để mẹ đưa con đi


TTO - Trở về quê năm 1976, bác sĩ Trần Văn Bản - chiến sĩ từng hoạt động trong lực lượng quân y của quân giải phóng - lặng người thấy ảnh mình trên chiếc bàn thờ, bên cạnh bố. 

Bác sĩ Trần Văn Bản và nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải ký tặng sách - Ảnh: MAI THỤY

Người mẹ của ông không ngờ con mình trở về sau tờ giấy báo tử cách đó 8 năm. 

Khắp làng kéo đến hỏi thông tin của người thân, 29 người lính trẻ vào miền Nam kháng chiến ngày ấy - giờ chỉ còn mình Bản về.

Khi bác sĩ Bản kể đồng đội năm ấy của ông đều đã hi sinh, những người đang nhóm chút hi vọng càng đau đớn.

Thấu hiểu cảm giác của mẹ mình và những người mẹ khác, bác sĩ Bản bắt đầu hành trình tìm đồng đội.

Suốt 20 năm mòn dấu chân ở vùng đất Củ Chi, Bến Cát, Trảng Bàng tìm các liệt sĩ và đưa hài cốt về với gia đình họ cũng là ngần ấy thời gian bác sĩ Bản đối mặt với nỗi đau của những người mẹ mất con.

Có lần, bác sĩ Bản đưa hài cốt liệt sĩ Đỗ Văn Đông về xã Trấn Dương (Hải Phòng). Bà Lê Thị Mạnh, mẹ của liệt sĩ Đông, lúc ấy bệnh nặng sắp qua đời khi nghe tin tìm được cốt con mình, bà bật dậy ôm chặt bộ hài cốt vào lòng, ngồi lặng một quãng rất lâu, mắt ráo hoảnh.

Đến khi mọi người xin bà cho mang hài cốt ra đầu xã làm lễ truy điệu, bà nghẹn ngào:“Đây là con của mẹ, để mẹ đưa con mẹ đi” và những giọt nước mắt mới trào ra trong tiếng nấc...

Chứng kiến những khoảnh khắc đó, bác sĩ Bản càng thấu hiểu nỗi đau của người mẹ. Vì vậy, không ít lần ông phối hợp với MIA (Cơ quan tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam) để tìm mộ của lính Mỹ.

Ông nói: “Người mẹ Việt Nam mất con còn biết con mình nằm xuống cho đất nước, còn người mẹ Mỹ không biết con mình đã hi sinh vì điều gì mà thân xác trôi dạt nơi xứ người”...

Câu chuyện về những chuyến đi của bác sĩ Trần Văn Bản được ghi chép trong cuốn sách Tôi chết bắt đầu một thế giới sống (NXB Tổng Hợp TP.HCM) do nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải chấp bút.

Theo chân bác sĩ Trần Văn Bản, nhà văn Ngọc Hải không ít lần rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh thân nhân nhận lại hài cốt các liệt sĩ.

Có nơi, những bà mẹ trong làng cùng ôm nhau khóc dù bác sĩ Bản chỉ tìm được một bộ hài cốt.

Có lẽ vì vậy nhà văn Ngọc Hải chia sẻ với chúng tôi khi viết cuốn sách này vào năm 1995, bà đã viết trong sự giằng xé giữa câu chữ và những xúc động của riêng mình.

Bác sĩ Trần Văn Bản nghẹn ngào 
trong buổi giới thiệu sách

Tôi chết bắt đầu một thế giới sống: Để mẹ đưa con đi
Ảnh: MAI THỤY

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải và bác sĩ Trần Văn Bản đã có buổi giới thiệu, giao lưu với độc giả về quyển sách Tôi chết bắt đầu một thế giới sống vào sáng 30-7 tại Đường sách TP.HCM.

Trong buổi giao lưu, nhiều lần bác sĩ Bản phải dừng lại vì xúc động khi kể về những kỷ niệm trong hành trình của mình. Đây là lần thứ ba Tôi chết bắt đầu một thế giới sống được tái bản từ khi phát hành năm 1997.

Nguồn: Tuoitre

CÁC TIN KHÁC


Đang thêm vào giỏ hàng...