Chiều 22-7, tại Đường sách TP.HCM, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM đã có buổi ra mắt tác phẩm Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam, tập 1: Trước Cách mạng Tháng Tám 1945 (1858-1945) của vợ chồng luật sư Phan Đăng Thanh - Trương Thị Hòa chấp bút.
Vợ chồng luật sư-tác giả Trương Thị Hòa, Phan Đăng Thanh và nhà báo Trần Nhật Vy tại buổi ra mắt sách.
Tham gia buổi ra mắt sách có nhiều vị lãnh đạo, nhà báo kỳ cựu như bà Phạm Phương Thảo - nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM, nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nhà báo Trần Nhật Vy…
Tại đây, vợ chồng luật sư Phan Đăng Thanh - Trương Thị Hòa đã cho biết điểm khác biệt ở tác phẩm của mình so với nhiều công trình nghiên cứu lịch sử báo chí Việt Nam khác là việc nghiên cứu ở tác phẩm này thiên về các văn bản pháp quy của chính quyền các thời kỳ về báo chí.
Các lãnh đạo, nhà báo kỳ cựu đến dự ra mắt sách.
Theo luật sư Phan Đăng Thanh, báo chí Việt Nam giai đoạn 1858-1945 chia ra hai dạng người làm báo. Thứ nhất là những người Việt Nam yêu nước, chống Pháp. Những người này dùng báo chí khơi gợi lòng yêu nước, cho con người ta biết sứ mệnh của mình đối với dân tộc, đất nước.
Dạng người làm báo thứ hai ở thời điểm này là những người yêu nước nhưng theo Pháp. Những người này chủ trương khai dân trí, theo người Pháp, học người Pháp để dân trí người Việt được nâng cao, từ đó giúp đất nước vững mạnh hơn.
Theo các văn bản pháp quy mà các luật sư nghiên cứu được, tại Việt Nam, từ 1858-1881 không có luật lệ về báo chí. Giai đoạn này ai có tiền, có tài thì mở báo, làm báo, không phải xin phép. Tuy nhiên, trước những tờ báo Việt yêu nước, Luật tự do báo chí do chính quyền thực dân Pháp ban hành vào ngày 29-7-1881 và áp dụng tại đất Nam Kỳ cho báo chí xứ Nam Kỳ thuộc Pháp. Từ đó có những điều luật liên quan đến việc xử phạt những hành vi có thể bị xử lý hình sự liên quan đến báo chí…
Trong sách có phần phụ lục với các văn bản pháp luật cơ bản đã được trình bày cụ thể qua nguyên bản Pháp ngữ và phần dịch ra tiếng Việt.
Nguồn :Baomoi