Bộ sách Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam gồm hai tập (tác giả Phan Đăng Thanh - Trương Thị Hòa), do NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành dịp 21/6. Qua khảo cứu khía cạnh pháp quyền, bộ sách cho thấy lịch sử báo chí Việt Nam ở từng giai đoạn, kỹ thuật làm báo, tư tưởng, sự cống hiến của một số cơ quan báo chí và những cá nhân điển hình.
Tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên
Trong bộ sách, các tác giả nêu vai trò của báo Thanh Niên và Nguyễn Ái Quốc như điểm mở đầu nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Báo Thanh Niên ra số đầu vào ngày 21/6/1925. “Báo Thanh Niên là cơ quan của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội), do Nguyễn Ái Quốc - Ủy viên ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản - sáng lập và trực tiếp chỉ đạo thực hiện”, tập một bộ sách viết.
Nguyễn Ái Quốc vừa là người sáng lập, vừa là người thực hiện, là cây viết chính của báo. Ngoài việc viết những bài quan trọng, Nguyễn Ái Quốc còn vẽ tranh, sửa và viết những tin, bài khác. Ban biên tập báo gồm các ủy viên của Tổng bộ Thanh niên như: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điểm…
Bộ sách dẫn thông tin trong cuốn Tìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam (tác giả Hồng Chương). Trong đó ghi rõ về phương thức thực hiện báo Thanh Niên: “Báo in bằng chữ viết với bút sắt nhọn trên giấy sáp. Thông thường mỗi số có bốn trang, khổ giấy 18 x 24 cm. Phía trên trang nhất trong khung hình chữ nhật, có tên báo bằng hai thứ chữ: chữ quốc ngữ và chữ Hán. Trong khung, phía bên trái còn có hình ngôi sao năm cánh, ở giữa ngôi sao có ghi con số, đó là số của tờ báo, bên phải, phía dưới tên báo bằng chữ quốc ngữ có ghi ngày tháng ra báo. Lượng phát hành mỗi số khoảng 100 bản”.
Báo Thanh Niên có xã luận, bình luận, truyện lịch sử thế giới, truyện lịch sử dân tộc, tin tức, hướng dẫn tổ chức đoàn thể, mục dành riêng cho phụ nữ, đấu tranh tư tưởng, lý luận…
“Dù viết đông tây, kim cổ, trong nước hay ngoài nước, xét cho cùng đều quy tụ vào những điểm sau: Học tập kinh nghiệm lịch sử làm thế nào để đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi triệt để, giải phóng dân tộc và xây dựng lại đất nước giàu mạnh; phải có một đảng cách mạng chân chính, có học thuyết Marx - Lenin soi đường”, cuốn sách viết.
Về công việc phát hành, mỗi số báo Thanh Niên in khoảng 100 bản, được chuyển từ Trung Quốc về nước qua đường dây liên lạc bí mật của tổ chức, đến các kỳ bộ, tỉnh bộ, các chi hội trong nước và Thái Lan.
Ở trong nước, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên dùng tờ Thanh Niên để vận động, tuyên truyền và huấn luyện kết nạp hội viên. Đến mỗi cơ sở tờ báo lại được chép tay nhân lên thành nhiều bản.
Xuất bản liên tục đến tháng 8/1929, tuần báo Thanh Niên đình bản khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên giải thể, kết thúc vai trò lịch sử của mình.
Báo Thanh Niên là cội nguồn của báo chí cách mạng Việt Nam. Sau đó, nhiều tờ báo cách mạng khác ra đời. Các tác giả thống kê từ năm 1925 đến 1929, cả nước có hơn 50 tờ báo cách mạng.
Báo chí cách mạng sau 1954
Nếu tính từ năm 1865 khi tờ báo chữ Việt đầu tiên ra đời (Gia Định báo) đến 1945, báo chí Việt Nam đã trải qua 80 năm với một lực lượng tương đối trưởng thành. Nhưng dưới thời Pháp đô hộ, báo chí không thoát khỏi khuôn khổ kiểm soát của nhà cầm quyền thực dân, phong kiến.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mở ra thời kỳ đột phá trong lịch sử báo chí Việt Nam. “… Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, báo chí từng bước chuyển mình phát triển với sự ra đời của các phương tiện truyền thông hiện đại... Nhiều loại hình báo chí ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chức năng thông tin tuyên truyền, vận động, tổ chức, dẫn đạo cho quần chúng nhân dân”, tập hai bộ sách Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam viết.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xuất bản tờ báo đầu tiên của mình: Việt Nam Dân quốc Công báo (ra số đầu ngày 29/9/1945).
Nhiều tờ báo cách mạng trước đó hoạt động bí mật, sau 1945 ra công khai. Có thể kể đến các báo như Cứu Quốc (cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh), Cờ giải phóng (cơ quan của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương), báo Lao Động (cơ quan của Việt Nam Công nhân cứu quốc Bắc Kỳ), Hồn Nước (cơ quan của Đoàn thanh niên cứu nước Hoàng Diệu).
Bộ sách Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều tờ báo cách mạng ra đời như Sự Thật (do Trường Chinh làm Hội trưởng Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương phụ trách). Trong vòng 16 tháng kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công 919/8/1945) đến ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), nhiều cơ quan báo chí mới thành lập như: báo Sao Vàng, tạp chí Tiền Phong, báo Tiếng gọi Phụ nữ, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam…
Thời kỳ này, Đảng cũng mở rộng hệ thống báo chí địa phương, để báo chí ngày càng gần gũi với quần chúng nhân dân. Tính đến 19/12/1946, cả nước có 117 tờ báo.
Giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), báo chí cách mạng ở vùng tự do là lĩnh vực khơi dậy chính nghĩa, tinh thần yêu nước, quyết chiến thắng trong mọi tầng lớp quân đội, cán bộ, nhân dân. Ở chiến khu Việt Bắc lúc đó các báo chủ lực của cách mạng là báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng Sản, báo Cứu Quốc, báo Quân đội Nhân dân, Phụ nữ Việt Nam, Văn Nghệ, Lao Động…
Giai đoạn 1954 - 1975, báo chí cách mạng đóng góp vào công cuộc thống nhất đất nước. Thời kỳ này, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam luôn bám sát thời sự, kịp thời phát đi những biến cố lịch sử và tuyên bố quan trọng của Nhà nước. Sau tháng 4/1975, nhiều cơ quan báo chí cách mạng ở TP.HCM được thành lập như báo Sài Gòn giải phóng, Phụ nữ giải phóng, Công giáo và Dân tộc, Tuổi Trẻ…
Sau 1975, báo chí cách mạng tiếp tục phát triển. Nhiều cơ quan báo chí hiện đại như báo nói, báo hình ra đời, nhiều tờ báo in với lượng phát hành lớn. Từ năm 1997, báo điện tử xuất hiện. Tới nay, báo điện tử trưởng thành cả về chất lượng và số lượng. “Tin bài vừa phong phú, đa dạng vừa nhanh chóng, hấp dẫn… Số lượng người đọc báo đổ dồn về phía báo điện tử”, sách Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam viết.
Cuốn sách cũng cho thấy trong giai đoạn hiện nay, báo điện tử đã “khẳng định vị thế của mình trong hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng. Hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày vào các tờ báo mạng điện tử đã chứng tỏ đây là một phương tiện thông tin đối nội, đối ngoại hiệu quả, thực hiện tốt chức năng thông tin, giáo dục, giải trí của mình”.
Theo Zing