Thế giới có hẳn một giải thưởng Franz Kafka (một trong những giải thưởng văn học uy tín cùng với giải Nobel, Man Booker, Goncourt…) trao hằng năm, tôn vinh những tác phẩm có tính nhân văn, có đóng góp trong việc đề cao những giá trị văn hóa, dân tộc, ngôn ngữ và tôn giáo. Nhiều nhà văn nổi tiếng (có nhà văn được giải hoặc đề cử giải Nobel) như Diêm Liên Khoa, Murakami, Philip Roth, Elfriede Jelinek… đã được giải thưởng này. Tuy thế, Kafka vẫn là nhà văn thuộc loại hàn lâm khó đọc nhất, khó hiểu nhất, đặc biệt là ở Việt Nam.
Tại Hà Nội, Festival kỷ niệm Kafka đã diễn ra với nhiều không gian văn hóa khác nhau như triển lãm, tọa đàm, công chiếu những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm Kafka, cuộc thi viết về Kafka…
Việc tiếp nhận Kafka tại Việt Nam trong nhiều năm qua đang có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn rất hứng thú với ông, 2 luận án tiến sĩ và 10 luận văn thạc sĩ đã làm về ông, công việc dịch thuật về Kafka vẫn đang tiếp tục với sự hứng thú và say mê của các dịch giả: Phùng Văn Tửu, Lê Chu Cầu, Đoàn Tử Huyến, Trương Đăng Dung, Lê Huy Bắc,… Những tác phẩm quan trọng nhất của Kafka đã được dịch sang tiếng Việt như "Lâu đài", "Vụ án", "Hóa thân", "Nhật ký", "Thư gửi bố", "Nước Mỹ"…
Mới đây, NXB Tổng hợp TP HCM xuất bản "Franz Kafka - Người tẩy não nhân loại" của GS-TS Lê Huy Bắc. Tuy viết về một nhà văn khó đọc nhưng bằng văn phong gần gũi, dễ hiểu, độc giả bình thường cũng có thể lấy đó làm bàn đạp để tiếp cận và yêu thích tác phẩm Kafka.
Bìa sách “Kafka - Người tẩy não nhân loại”
Cuốn sách được chia làm nhiều phần nhỏ. Chương một, "Kỳ diệu thay, con người", là những luận bàn về Kafka để độc giả phần nào hình dung ra được sự vĩ đại của Kafka. Có cả triệu công trình lớn nhỏ nghiên cứu, dịch thuật về ông, vì những tư tưởng mà ông phản ánh trong các tác phẩm của mình vẫn còn rất đúng trong tình hình thế giới hiện nay như sự bất bình đẳng, mất tự do dân chủ, sự phi lý, sự tha hóa… Chương hai, "Thiên tài nghịch dị", đưa chúng ta tìm hiểu về cuộc đời của nhà văn thiên tài này. Chương ba, "Người tẩy não nhân loại", chuyên luận cho thấy tư tưởng khai phá, phức tạp, bùng nổ của Kafka. Đó là cách thức ông "hoài nghi ngôn ngữ", viết "không giống như thật", "giễu nhại thần linh", "tư duy ngược, tư duy đa chiều"… rất táo bạo vào đầu thế kỷ XX, khi mà chủ nghĩa hiện thực vẫn còn có sức mạnh thống trị văn học thế giới. Có lẽ, vì vậy mà Lê Huy Bắc đã gọi Kafka là nhà văn tính chất "hậu hiện đại ken đặc". Tuy thế, tính chất hiện thực trong tác phẩm Kafka lại ở một dạng thức khác mà trong chương bốn và chương năm, mang tên "Người khai sinh hiện thực", "Những con rối tạp chủng", Lê Huy Bắc đã chỉ ra. Đó là việc miêu tả kiểu "nhân vật con rối" hay "con người biến dạng", dạng thức của sự tha hóa, đánh mất hình hài, nhân tính khi đối mặt với những thử thách. Đây là một "hiện thực" rõ rệt nhất của xã hội loài người mà ông tiếp tục nhấn mạnh ở chương năm. Một hiện thực khác mà Kafka mô tả trong tác phẩm của mình đó là tình trạng độc tài, tham nhũng, quan liêu… Chương sáu và chương bảy đi vào những khám phá thế giới nghệ thuật trong tác phẩm Kafka "nghệ thuật gián tiếp" và "mỹ học của sự khốn cùng", hai chương này chỉ ra cho chúng ta tại sao văn Kafka khó đọc, đây cũng là những chỉ dẫn cần thiết cho các độc giả trước hoặc sau khi đọc Kafka.
Chương tám, "Niềm ám ảnh văn chương", thực sự là một chương thú vị khi so sánh và nêu ảnh hưởng của Kafka đến các nhà văn lớn thế giới như trường phái Hiện sinh, kịch Phi lý, Tiểu thuyết Mới… Những so sánh Kafka và Marquez, Kafka và Coetzee… là những gợi mở cho những nghiên cứu về sau. Chương chín, "Chân lý Kafka", tổng kết những giá trị mà Kafka để lại cho nhân loại.
Cuốn sách có nhiều hình ảnh về Kafka, về những "hóa thân" của Kafka trên trần thế như con đường mang tên ông, tượng đài kỷ niệm ông, bảo tàng Kafka…
Với những ai yêu mến Kafka, tập sách hơn 300 trang này có lẽ chưa thỏa mãn, vì viết về Kafka bao nhiêu cho đủ? Nhưng mục tiêu của cuốn sách là phổ biến những giá trị văn học tinh hoa bằng một cách thức gần gũi nhất, dễ hiểu nhất thì cuốn sách đã thành công.
Theo: nld.com.vn